Mẹo chọn thực phẩm an toàn

1. Chọn các loại thịt

Trước tiên, nên lựa chọn địa điểm bán hàng uy tín, chất lượng. Dấu hiệu nhận biết là dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vệ sinh của quầy bán thịt vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng.

Nếu thịt tươi thì bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Nếu thấy mặt thịt thô ráp, ngửi không có mùi thơm của thịt, đề nghị người bán rạch một lằn dao vào thớ thịt, xem bên trong có màu tươi hồng của thịt (thịt lợn) hoặc màu đỏ tươi (thịt bò) thì thịt đó vẫn còn tươi.

Nếu thịt có màu sẫm, hoặc có vết bầm ở cơ hoặc các nốt hoặc đám xuất huyết trên da thì không nên mua vì đó là các dấu hiệu nghi thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc mắc bệnh hoặc do nhuộm màu.

Không nên mua thịt có màu nhợt nhạt hoặc có các bọc trắng trong thớ thịt, đối với thịt lợn không nên mua thịt khi mỡ có màu vàng và mùi khét.

Đối với thịt đông lạnh cần xem kỹ nhãn mác xuất xứ và hạn sử dụng ghi trên bao bì và thiết bị bảo quản.2. Chọn cá tươi ngon


Chọn những con cá mắt sáng, nhanh, chạm vào bơi nhanh, quẫy khỏe chứ không lù đù. Mua cá thì bạn cũng đừng ngại ngần việc bẩn tay, vì ngại sẽ dễ mua phải cá không ngon. Hãy vạch mang cá ra xem, nếu mang còn đỏ là cá tươi nhưng nếu nó trắng bệch hoặc thâm là cá ươn.

Nhìn bề ngoài cá, nếu còn nhớt bóng, mắt cá còn trong suốt, vảy cá không rời ra, mang cá còn hồng, bỏ con cá vào nước thì cá chìm xuống, đó là con cá tươi. Còn nếu bề ngoài cá có dịch dính, mắt lõm xuống, vảy cá dễ rơi ra, có màu nhợt nhạt, thịt cá không còn đàn hồi, bụng cá và hậu môn cá trương ra, bỏ vào nước cá nổi, thì con cá đó đã bị ươn.

Phân biệt cá bị nhiễm độc

Mang cá là cơ quan hô hấp của cá, giống như buồng phổi của con người, phần lớn chất độc có lẽ tập trung tại đây. Mang cá dính độc sẽ không sáng trơn, hơi thô và có màu hồng thâm đậm. Cá bị nhiễm độc nặng thì mình cá không còn nguyên, đầu to đuôi nhỏ, lưng cong gù thậm chí có u. Có con da còn bị vàng và đuôi xanh. Mắt cá bị nhiễm độc thường bị đục, mất vẻ tinh anh bình thường, có con thậm chí mắt còn lồi ra ngoài. Ngoài ra, cá bị nhiễm độc sẽ có những mùi bất thường như mùi tỏi, mùi dầu hôi…

3. Cách chọn rau, củ, quả

Yếu tố đầu tiên, nên lựa chọn địa điểm bán hàng có uy tín, chất lượng.

Lựa chọn những loại rau củ màu sắc tươi xanh tự nhiên, cầm chắc tay, nặng tay, bề ngoài nguyên vẹn không bị trầy xước.

Đối với một số loại rau ăn lá không nên chọn rau có bề mặt nhẵn bóng, xanh mướt vì có thể sản phẩm đó được sử dụng các loại phân bón lá và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn tồn dư trong rau và bề mặt.

Đối với các loại rau dạng củ, quả nên chọn các loại củ trơn nhẵn, da căng, không bị dập nát, màu sắc củ phải đồng nhất, không nên chọn mua các loại củ đã mọc mầm vì ảnh hưởng đến tiêu hóa. Không mua những loại thực phẩm đã mọc mầm nhất là khoai tây, vì trong những mầm này có chứa chất solanine rất đắng và độc, sử dụng quá nhiều chất này có thể gây ngộ độc và ung thư, trong những trái cà chua xanh cũng có chứa nhiều chất solanine, cần phải ủ cho cà chua chín ngả sang màu đỏ để làm mất đi chất solanine rồi mới nên ăn.

Khi chọn các loại đỗ quả, mướp đắng nên chọn quả có cuống to màu xanh tươi, thân mềm, hạt không lớn, không nhỏ.

Không nên mua những loại củ quả được gọt sẵn ngoài chợ vì chúng không đảm bảo và những người bán có thể gọt bỏ đi những củ sâu bệnh để gọt chung vào đó, đồng thời nước ngâm hoa quả của họ không được đảm bảo vệ sinh, có thể khiến nhiều vi sinh vật bám vào đó.